Thói quen suy nghĩ của con người là tìm về những nếp nghĩ, niềm tin đã được cài đặt hoặc những điều đã được số đông công nhận để đưa ra suy nghĩ cho mình.
Và như vậy là chúng ta đánh mất tự do – tự do của suy nghĩ: tự do trong nhìn nhận quan sát mà không để bất cứ thành kiến nào “lót đường”, tự do đưa ra ý kiến bản thân mà không bị quá khứ, số đông hay thông tin và kiến thức cũ cài đặt sẵn.
Để có thể giải phóng mình khỏi những “hiểu biết” của chính mình, một gợi ý của tôi là chúng ta nên tập tư duy phản biện: không dễ dàng đón nhận điều người khác dạy hoặc bắt mình nghe theo; không vội vã tin ngay khi ai đó bảo rằng đây là chân lý, đây là điều tuyệt đối đúng; không mù quáng làm theo lời khuyên hay lời dạy bảo của người khác – kể cả đó là thầy cô, cha mẹ, cấp trên hay thần tượng của mình mà phải cân nhắc hậu quả trước khi hành động.
Một vài gợi ý giúp bạn rèn luyện tư duy phản biện:
- Thử phản biện lại những điều mà số đông mặc nhiên xem là chân lý, như: cha mẹ nói gì con cái cũng phải nghe lời, trung thành là phẩm chất tốt đẹp của con người, gia đình là nền tảng của hạnh phúc…
- Dùng sự hoài nghi để đặt câu hỏi: nếu không phải vậy thì sao? Dùng sự phủ nhận này làm tiền đề/giả thiết để thử đi tìm đáp án khác.
- Trước một nhận định hay đáp án nào đó, bạn tự hỏi xem: liệu có thể hiểu theo một cách nào khác không, có cách nào khác để thực hiện không, nếu nhìn ở một khía cạnh/góc độ khác thì sao, trong hoàn cảnh/bối cảnh khác thì điều này có đúng… rồi cố gắng lập luận và tìm câu trả lời.
Đừng tự giới hạn và giam giữ mình trong những hiểu biết giới hạn của mình.

0 nhận xét:

 
Top